HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline: ✱8911
Lượt truy cập
  • 1
  • 8
  • 582,708

Bộ Y Tế

Vô hiệu hóa virut cúm A/H7N9 - Cách gì? (10:28 03/05/2013)
Những ngày gần đây, ở nước láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện bệnh cúm gà loại mới có độc lực cao là cúm A/H7N9. Đến 16 giờ ngày 26/4, đã có 108 người ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 23 người tử vong.

 Tuy bệnh chưa có vaccin phòng đặc hiệu và chưa có thuốc tiêu diệt virut nhưng bệnh có thể phòng tránh được. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Bùi Khắc Hậu.

Virut cúm  A/H7N9 gây bệnh  thế nào?

 Bên cạnh cúm A/H5N1 là virut cúm A/H7N9 có khả năng gây bệnh trên người. Gọi là virut cúm A/H7N9 vì chúng thuộc họ Orthomyxoviridae giống Influenzavirus A, thuộc  nhóm ARN có 16 kháng nguyên HA (từ H1 – H16) và 9 kháng nguyên NA (từ N1 – N9). Virut cúm gia cầm nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản ở đó và chúng có mặt trong chất tiết của đường hô hấp như nước mắt, nước mũi, nước bọt và chất tiết của đường tiêu hóa. Loại virus H7N9 gây bệnh cho gia cầm và có khả năng lây sang người và gây bệnh cho người, tuy vậy, cho đến nay, chưa thấy xuất hiện virus H7N9 lây từ người sang người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác điều trị cúm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

 

Đối với con người, cúm gà nói chung gây ra các triệu chứng tương tự như của các loại virut cúm khác. Triệu chứng của bệnh và mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào độc lực của virut và sức đề kháng của cơ thể. Độc lực của virut cúm có 4 mức độ (cao, vừa, nhẹ, không độc lực). Nhóm độc lực cao (highly virulent) thể hiện bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp, hệ thống thần kinh và hệ tim mạch.  Nhóm có độc lực vừa (moderately virulent), bệnh cảnh có nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Nhóm có độc lực nhẹ (mildly virulent) có tỷ lệ tử vong rất thấp (dưới 5%). Nhóm không có độc lực (avirulent) thường không có triệu chứng và không gây tử vong. Đối với loại cúm A/H7N9 là loại độc lực cao gây viêm hô hấp cấp, dẫn tới suy hô hấp nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao.

Virut cúm A nói chung và virut cúm A/H7N9 có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như gà, thủy cầm, chim hoang dại, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virut cúm A có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín, tuy vậy, chúng có khả năng tồn tại, phát triển trong thịt, trứng của chúng chưa nấu chín và các loại chất thải, nhất là chất thải lỏng (tồn tại được 105 ngày vào mùa đông), trong phân khoảng từ 30 - 35 ngày ở 4°C và 7 ngày ở 20°C. Virut cúm A/H7N9 cũng có thể tồn tại trong máu và tử thi ở nhiệt độ lạnh khoảng 3 tuần lễ. Tuy vậy, chúng có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC trong vòng 15 phút hoặc có độ pH mạnh hoặc các loại hóa chất, thuốc sát khuẩn. Bệnh cúm gà lây truyền qua thịt, ruột (nội tạng) của chúng, qua không khí, chất thải, phân và có thể gây nhiễm cho thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo. Do tính độc cao của virut cúm A/H7N9 trong khi chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccin dự phòng nên mỗi người cần có ý thức phòng ngừa.

Cần làm gì để ngăn chặn cúm A/H7N9?

Hiện nay, ở nước ta chưa xuất hiện bệnh cúm A/H7N9, vì vậy, để ngăn chặn không cho mầm bệnh vượt biên sang nước ta thì điều quan trọng nhất và cốt lõi nhất là không cho các loại gia cầm, thủy cầm (cả loại gà thịt, cả loại gà giống), thịt động vật xâm nhập bất hợp pháp vào nước ta, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc.

Muốn đạt được kết quả tốt nhất thì bắt buộc phải nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức nhập lậu gà và các loại thực phẩm thịt động vật qua biên giới và phải coi công việc này như một pháp lệnh. Nhập gia cầm, thủy cầm, thịt động vật lậu vào thời điểm này ngoài việc không những không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có nguy cơ cao đưa mầm bệnh gây chết người vào đất nước ta. Vì vậy, các ngành, các cấp có liên quan cần quyết liệt ra tay ngăn chặn gia cầm, thịt động vật nhập lậu qua biên giới vào các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc nước ta.

Với mọi người dân, cần đề cao cảnh giác chứ không nên hoang mang, lo lắng quá mức cần thiết, bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm ốm, chết. Không mua, không ăn các loại gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tránh xa các loại thịt động vật nhập lậu. Các loại thực phẩm có liên quan đến thịt gà, thủy cầm cần nấu chín. Các loại dụng cụ dùng giết mổ, chế biến thịt gia cầm cần vệ sinh và sát khuẩn bằng cách rửa xà phòng và luộc nước sôi. Với người chăn nuôi và buôn bán gà, cần đề cao tinh thần trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng bằng cách không thịt, buôn, bán gà ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Và gia cầm ốm, chết phải chôn thật sâu kèm theo hóa chất sát khuẩn (vôi bột, cloraminB). Phải chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư, trường học, công sở. Ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm và giết mổ chúng, phải rửa tay sạch bằng xà phòng.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Bình luận